Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Tiêu hoang thời trẻ vì game

 

Vụ nam thanh niên tử vong do đột quỵ khi ngồi chơi game nhiều giờ liền tại tiệm internet ở phường Long Toàn, TP. Bà Rịa vào ngày 30-6 lại làm dấy lên những lo lắng về games online. Sau hơn 15 năm “bùng nổ”, hệ lụy của games và bài toán về quản lý vẫn chưa tìm thấy lời giải.

Nhiều thanh thiếu niên chăm chú “cày” tại 1 tiệm game online trên đường Trương Công Định (phường 8, TP.Vũng Tàu). Ảnh: Khánh An
Nhiều thanh thiếu niên chăm chú “cày” tại 1 tiệm game online trên đường Trương Công Định (phường 8, TP.Vũng Tàu). Ảnh: Khánh An

Thâu đêm suốt sáng ở tiệm net

Hơn 12 giờ đêm, chúng tôi đi cùng một game thủ đến một tiệm internet ở cuối đường Trương Công Định (phường 8, TP.Vũng Tàu). Game thủ đi cùng vốn là mối quen, nên khi nghe tiếng gọi cửa, người trực tiệm internet nhanh chóng ra mở cửa.

Sau những lời chào bỗ bã của những người quen, chúng tôi bước vào phía trong. Tiệm internet này có 3 phòng lạnh, được ngăn cách bằng cửa kính, trong đó một phòng dành cho những người hút thuốc. Nhưng vì ban đêm, khách ít hơn nên chủ tiệm không cho chạy máy lạnh. Khói thuốc, tiếng gõ phím, tiếng chửi thề... tạo nên một không gian ngột ngạt đến khó thở.

Quan sát chung quanh, chúng tôi nhận thấy rất nhiều game thủ trẻ tuổi vẫn say sưa chia team (đội), tạo nhóm tham gia các game trực tuyến hot nhất hiện nay. Bên cạnh bàn phím la liệt vỏ lon, hộp đựng đồ ăn nhanh, mỳ tôm. Cũng có nhiều game thủ nằm ngủ vật vạ giữa các dãy ghế...

Sau một lúc chịu đựng, chúng tôi rời đi và tìm đến một tiệm khác cũng nằm trên đường Trương Công Định - cách đó khoảng 1km. Tiệm net này chia làm 2 tầng riêng biệt, tầng trên dành cho khách hút thuốc. So với tiệm net đầu đường Trương Công Định, tiệm này vắng khách hơn nhưng không khí ngột ngạt chẳng kém.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tiệm internet lén lút hoạt động thâu đêm suốt sáng tại địa bàn TP.Vũng Tàu. Theo ông Diệp Bảo Hưng, Phó phòng VH-TT TP.Vũng Tàu, theo quy định, các cơ sở này chỉ được phép hoạt động từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều mở cửa quá thời gian quy định.

Tương tự, trên địa bàn TP. Bà Rịa, các huyện Long Điền, Tân Thành, Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc mỗi nơi có từ hàng chục tới hàng trăm tiệm game đang hoạt động và cũng có nhiều tiệm game phục vụ “thượng đế” thâu đêm, suốt sáng.

Thống kê của Sở TT-TT cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, Phòng VH-TT các địa phương đã xử phạt 23 cơ sở kinh doanh game với số tiền 80 triệu đồng, do vi phạm hoạt động quá giờ quy định. Trong đó, riêng TP.Vũng Tàu, qua kiểm tra 47 lượt tại các cơ sở thì 16 lần phát hiện vi phạm và xử phạt với số tiền hơn 67 triệu đồng. Trong đó, có một số điểm kinh doanh bị xử phạt trên mức 1,5 triệu đồng: Thế Anh (91 Võ Thị Sáu), tiệm 18 Hùng Vương (phường 4), tiệm 131 Xô Viết Nghệ Tĩnh, tiệm 186 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Thắng Tam), tiệm NET PN (155 Bình Giã)...

Hệ lụy của "thế giới ảo"

Bà Ngô Thị N. (ấp Bàu Phượng, xã Châu Pha, huyện Tân Thành) buồn bã cho hay, con trai bà từng là một học sinh ngoan, học giỏi, nhưng hơn 2 năm qua do nghiện chơi game nên thường xuyên trốn học để chơi, có lúc đi đến thâu đêm, suốt sáng không về nhà. Bà N. đã nhiều lần khuyên nhủ, nhưng đứa con không nghe lời, kết quả học hành sa sút đâm nản chí và năm nay đã bỏ học.

Nghiêm trọng hơn, do nghiện chơi game, nhiều “game thủ” đã phạm tội và vướng vào vòng lao lý. Đơn cử như trường hợp của Huỳnh Quang Sáng (24 tuổi, ngụ xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc), để có tiền chơi game, Sáng đã phải 2 lần vào tù vì chiếm đoạt tài sản (5 lần mượn xe máy của bạn đem bán).

Việc chơi game nhiều giờ liền ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí gây tử vong vì suy kiệt. Điển hình là vụ H.T.H. (26 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) đến TP.Bà Rịa sinh sống và làm việc. Tối 29-6, H. vào một tiệm game ở phường Long Toàn để chơi và ngủ luôn tại tiệm. Qua sáng hôm sau, H. tiếp tục chơi game tại quán này, đến 15 giờ cùng ngày, quản lý tiệm game phát hiện H. ngồi bất động, không còn hơi thở. Nghi vấn H. bị kiệt sức đột quỵ dẫn đến tử vong.

Game online không phải là xấu, nhưng việc chơi game đến mức độ nghiện đã là vấn đề xã hội được báo động hàng chục năm qua - kể từ khi game online bùng nổ. Tăng cường giáo dục con em, học sinh từ phía gia đình, nhà trường là một trong những giải pháp hàng đầu để đối phó với nguy cơ nghiện game của giới trẻ. Nhưng giải pháp có tính chốt chặn vẫn là nâng cao hiệu quả quản lý từ cơ quan chức năng đối với hoạt động kinh doanh game online, internet. Bảo đảm xử phạt hiệu quả, răn đe tốt mới đủ sức xóa bỏ được một môi trường chơi game thiếu lành mạnh trong giới trẻ.   

Nhằm tăng cường công tác quản lý các hoạt động trò chơi điện tử công cộng, các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các đại lý Internet và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn mình quản lý nhất là việc tuyên truyền các chủ cơ sở chấp hành quy định pháp luật, kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần, cần xem xét chấm dứt hoạt động kinh doanh.

(Ông Lê Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông)

Nhà trường chỉ có thể quản lý các HS trong giờ học, còn ngoài giờ học hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh và môi trường ngoài xã hội. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh dịch vụ game online. 

(Cô Nguyễn Thị Vân, Giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THCS Phước Nguyên, TP.Bà Rịa)

Để cai nghiện game cho trẻ em, trước hết, gia đình cần tạo mối quan hệ thân tình giữa các thành viên trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, để kéo các em từ thế giới ảo về thế giới thực, nơi có những người thân luôn yêu thương giúp đỡ các em. Bên cạnh đó, khuyến khích con em tìm các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh khác để quên đi game online.  

(Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh)  

Theo Huyền Trang - Trúc Giang (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2t7rSda
via IFTTT

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét