Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Sa Pa và sức hấp dẫn thế kỷ

 

Sa Pa theo tiếng cổ địa phương có nghĩa là bãi cát vàng. Vùng đất này thuộc cao nguyên Lồ Suối Tủng và được đoàn thám hiểm người Pháp khám phá vào năm 1903. Sau 114 năm, địa danh Sa Pa vẫn giữ được sức hấp dẫn với khách du lịch muôn phương, khi số lượt du khách lên đến cả triệu người. Một trong những lý do khiến Sa Pa ngày càng “mê hoặc” lòng người, đó chính là những nét riêng, đặc trưng ở vùng đất này.   

Dãy An-pơ xưa 

Trước đây, tôi cứ ngỡ cách ví von Sa Pa với núi An-pơ (Alps) của châu Âu là cách nói quá lên của đồng nghiệp, cho tới khi tôi tìm thấy tài liệu thuyết phục nói về điều này mới tin. Một nguồn tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia cho thấy, trên Tạp chí Đông Dương của người Pháp in năm 1910 có bài viết của tác giải Hautefeuille rằng: “Tôi hoàn toàn bị quyến rũ ngay từ chuyến đi Sa Pa đầu tiên với các phong cảnh tuyệt đẹp. Có 2/3 quãng đường xuyên rừng với vẻ đẹp hiếm thấy… thung lũng giữa dãy núi và cao nguyên Lồ Suối Tủng (Sa Pa ngày nay) đẹp như thung lũng của dãy Pyrenees ở Tây Ban Nha…”.

Theo các tài liệu thì Sa Pa là cảnh địa có khí hậu mát mẻ được phát hiện trên cao nguyên Lồ Suối Tủng vào năm 1903. Năm 1910, có khá nhiều người Pháp tới Sa Pa, trong đó đông nhất là lính lê dương. Cũng từ đây, ý tưởng xây dựng các tòa nhà nghỉ dưỡng, các biệt thự được hình thành.

Những năm sau đó, Sa Pa có thêm biệt thự và khách sạn, như Fansipan, Vaumousse, Morellon, Métropole được xây dựng để đón khách. Cũng trên Tạp chí Đông Dương, vào năm 1943 có bài của Chánh Sở Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương viết rằng: “Sa Pa, khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp khiến ta gợi nhớ đến dãy núi Alps”, điều đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thơ mộng Sa Pa.
Thơ mộng Sa Pa.

Cái riêng của Sa Pa ngày nay

Tôi may mắn được dự một buổi gặp mặt do các “đại gia” từng nhiều năm sống tại Sa Pa và đang có nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ du lịch tổ chức. Khác với những gì mọi người vẫn hình dung về doanh nhân thành đạt là giày bóng lộn, quần áo kẻ ly, những cái khoát tay chắc nịch, khuôn mặt nghiêm nghị, cái nhìn sắc lẹm, “đại gia” lĩnh vực dịch vụ, du lịch có ngoại hình hết sức bình thường, thậm chí là đơn giản, một vài vị trong đó lại có ngoại hình “bụi” như dân phượt chuyên nghiệp.

Nổi bật trong đám đông là Hùng Delta (vì lý do cá nhân, tên các “đại gia” du lịch trong bài viết này đã thay đổi), doanh nhân đang đầu tư xây dựng tại Sa Pa một khách sạn 3 sao với số lượng khoảng 60 phòng. Hùng Delta thực dễ gây sự chú ý bởi dáng người cao, mảnh khảnh, lọn tóc phía sau gáy liên tục đong đưa. Sẽ không có gì đáng nói nếu bên trong con người kia không phải là một nghị lực, một tài năng của vùng đất du lịch Sa Pa vốn nhiều bí ẩn.

Không nhiều người biết về nguồn gốc biệt danh Delta của anh cũng như không biết anh từng là du học sinh ở châu Âu từ khi số người ra nước ngoài học tập của cả nước chỉ tính bằng con số trăm mỗi năm. Nhưng rồi anh đã bỏ lại tất cả sự nghiệp, tương lai tươi sáng sau lưng chỉ vì vẻ đẹp của Sa Pa. Hùng Delta khi đó xách máy đi khắp các bản làng, mỏm núi để săn ảnh. Để nuôi sống đam mê, Hùng Delta đã mở phòng LAB in, rửa ảnh, mở quán ẩm thực phục vụ du khách Âu, Mỹ và giờ đây là đầu tư khách sạn. Một biệt tài khác của Hùng Delta là anh có nhiều hiểu biết, giỏi về thẩm định chất lượng, nhận biết các loại rượu vang, soda.

Ở Sa Pa, theo định kỳ hằng tuần hoặc theo yêu cầu của du khách nước ngoài, Hùng Delta lại có các buổi nói chuyện, giao lưu, trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm thẩm định, pha chế các loại rượu vang nổi tiếng do nước ngoài sản xuất, tất nhiên là anh đều nói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Và để tích lũy hoặc cập nhật thêm các thông tin, mỗi năm, ít nhất một lần Hùng Delta bay sang châu Âu để giao lưu với các câu lạc bộ, nghiệp đoàn rượu vang các nước khối EU.

Vĩnh long châu là tên và biệt danh gắn liền với khách sạn mà anh đang quản lý. Vĩnh long châu cũng là cái tên mà anh em trong giới đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch nể phục trong nhiều năm qua về sự thành công nhờ bản lĩnh và cá tính mạnh. Trải qua những sóng gió tưởng chừng không thể gượng dậy thì nay Vĩnh long châu đã sở hữu một cơ sở lưu trú tầm cỡ tại Sa Pa, uy tín tới mức muốn đặt thuê phòng ở đây phải liên hệ ít nhất trước 1 tháng, dù vào mùa đông hay mùa hè. Vĩnh long châu còn được anh em trong giới sùng mộ bởi tài chơi xe và chạy xe, thông thạo nhiều ngoại ngữ, thú săn tìm các loại cá, chim, chó cảnh xếp vào hàng độc. 

Nhưng thú chơi của Vĩnh long châu vẫn chưa bằng Tuyên A Quỳnh, “đại gia” trẻ tuổi nhất của làng du lịch của Sa Pa. Tuổi đời còn trẻ nhưng Tuyên A Quỳnh - ông chủ của một chuỗi các nhà hàng, dịch vụ ẩm thực, resort tại Sa Pa lại là người khá hoài cổ. Thú chơi của anh là sưu tầm đồ cổ với các món chính là máy ảnh, đồng hồ và… đồ gỗ các loại.

Đến nay, có trong tay hàng trăm máy ảnh, hàng trăm chiếc đồng hồ, bàn ghế, thậm chí là một đoạn tay vịn cầu thang cổ, song chưa bao giờ là đủ với Tuyên A Quỳnh. Và thật ngẫu nhiên, chính cái thú sưu tầm các đồ độc, lạ, dị, hiếm ấy mà ngày càng có đông du khách, nhất là du khách nước ngoài tìm đến các cơ sở dịch vụ của Tuyên A Quỳnh để chiêm ngưỡng, khám phá “bảo tàng” riêng của anh.

Điều gì làm nên giá trị, sức hấp dẫn của du lịch Sa Pa? Câu trả lời không hoàn toàn là tự nhiên, mà yếu tố con người luôn có phần quyết định trong việc khai thác dịch vụ du lịch bền vững. Sa Pa có những cái riêng, những cái bí ẩn như hình vẽ trên các phiến đá, bí ẩn trong văn hóa... Nếu dễ dàng giải mã có lẽ Sa Pa đã bớt đi phần hấp dẫn.

Theo Cao Cường (Báo Lào Cai)



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2t7e2Hu
via IFTTT

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét