(BVPL) - Từ một tỉnh nông nghiệp với nền kinh tế lạc hậu, sau 20 năm nỗ lực phấn đấu và kiến thiết, Bắc Ninh đã “thay da đổi thịt”. Kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều bước chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm công nghiệp điện tử công nghệ cao của cả nước.
Bước tiến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội
Tỉnh Bắc Ninh có diện tích 840 km2, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 6 thị trấn huyện lỵ. Tỉnh được tái lập từ ngày 01/01/1997 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX. Sau 20 năm phấn đấu, nay tỉnh Bắc Ninh đã thoát khỏi nghèo nàn, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm cao nhất cả nước.
Năm 2016, kinh tế của Bắc Ninh xếp loại tăng trưởng khá. GRDP theo giá so sánh 2010 đạt trên 109.106 tỷ đồng, tăng 9%. Trong 4 tháng đầu năm 2017, GRDP đạt 37.807 tỷ đồng đạt 31,8% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2016.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 theo giá so sánh đạt 705.291 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 229.711 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 22,8 tỷ USD; nhập khẩu đạt 19 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm đạt 6,452 tỷ USD; nhập khẩu đạt 6,485 tỷ USD. Thu ngân sách năm 2016 đạt 17400 tỷ đồng . Trong 4 tháng đầu năm đạt 8.516 tỷ đồng.
Năm 2016, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 164 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 458 triệu USD. 4 tháng đầu năm cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 46 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 144,3 triệu USD.
Bắc Ninh lập đề án xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022; xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, tỉnh triển khai quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khởi công một số công trình trọng điểm, hoàn thành nhiều công trình quan trọng với quy mô lớn.
Các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao của tỉnh có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục toàn diện phát triển theo hướng vững chắc, tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, áp dụng thành công một số công nghệ cao trong y học.
Với những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Bắc Ninh. Đưa tỉnh Bắc Ninh từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu trở thành một đô thị lớn, đặc sắc trong Vùng Thủ Đô và của cả nước, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước
Trong công cuộc kiến thiết, tỉnh Bắc Ninh chú trọng vào việc phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử công nghệ cao. Sau 20 năm phát triển, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, với nhiều sản phẩm công nghệ cao mang tầm quốc tế của các tập đoàn lớn như: Samsung, Canon, Hồng Hải...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết năm 2016, tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp chiếm 74,3% GRDP, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 705.291 tỷ đồng, đứng thứ 2 cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2017, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước.
Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. |
Hiện nay, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích phê duyệt 6397,68 ha; 13 khu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 5708,5 ha và diện tích đất cho thuê là 3.485 ha, đã có 9 khu đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 87,49% diện tích đất đã thu hồi.
Tỉnh thu hút 703 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 14,22 tỷ USD; 391 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 36.126 tỷ đồng . Các dự án FDI thuộc 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 510.000 tỷ đồng, chiếm 66,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh. Giá trị xuất khẩu đạt 21 tỷ USD; nhập khẩu đạt 16,2 tỷ USD. Nộp ngân sách đạt 7000 tỷ (trong đó FDI chiếm 94,6%).
Các khu công nghiệp sử dụng khoảng 250 nghìn lao động, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 65%.
Từ nay đến 2020, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển công nghiệp. UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 11,3% - 12,6%; cơ cấu công nghiệp chiếm 73,2%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.110.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ USD.
Tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế; tăng tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm; tập trung vào ngành điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược... Phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có theo chiều sâu, gắn với phát triển đô thị, xây dựng nhà ở cho công nhân, công trình hạ tầng xã hội.
Việc chú trọng phát triển công nghiệp điện tử là một bước đi đúng đắn và mang tầm nhìn dài hạn. Bởi công nghiệp điện tử là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống công nghiệp trên thế giới ở thế kỉ XXI, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kĩ thuật của mọi quốc gia. Vì thế, phát triển công nghiệp điện tử sẽ đưa kinh tế của Việt Nam phát triển nhanh, theo kịp xu thế hiện đại hóa của toàn cầu.
Tuy nhiên cũng có thể thấy rằng, công nghiệp điện tử ở Việt Nam hiện nay còn nhiều thách thức. Công nghiệp điện tử của nước ta chỉ mới đang ở bước đầu của chuỗi giá trị của ngành điện tử và phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI. Đây là ngành có giá thành sản phẩm giảm nhanh và sản phẩm nhanh chóng lạc hậu, yêu cầu đầu tư lớn, thu lợi nhuận cao, cạnh tranh của thị trường gay gắt và độ rủi ro cao.. Vì vậy, đòi hỏi tỉnh Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung phải cố gắng hơn nữa, có nhiều biện pháp và quyết định mang tính đột phá để công nghiệp điện tử không bị chậm chạp so với thế giới.
Những thành quả gặt hái được ngày hôm nay xứng đáng để người dân xứ Quan họ tự hào về quê hương mình. Việc lựa chọn con đường, chiến lược trong phát triển kinh tế, lấy phát triển công nghiệp làm trung tâm giúp tỉnh Bắc Ninh thay đổi hoàn toàn. Từ cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho đến đời sống người dân được nâng cao và hiện đại. Điều đó cũng góp phần to lớn vào sự phát triển của đất nước.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ phấn đấu trở thành biểu tượng của sự chuyển mình vươn lên của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung, trở thành thủ phủ sản xuất đồ điện tử công nghệ cao của châu Á và thế giới.
Minh Châu
from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2tUWjC6
via IFTTT
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét