Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Vũ khí siêu vượt âm: Nga nổ tiếng sét giữa trời quang - Bứt phá ngoạn mục

 

Ngày 28/10/2016, Nga đã tiến hành thử thành công đầu đạn siêu vượt âm có điều khiển Yu-71 thuộc dự án có tên Objekt 4202, vũ khí thử nghiệm đã đạt vận tốc trên Mach 10.

LTS: Hiện nay các quốc gia có tiềm lực khoa học công nghệ cũng như kinh tế đang tích cực đầu tư vào phát triển siêu vượt âm.

Cuộc chạy đua này đang ngày càng trở lên khốc liệt.Dưới góc nhìn của Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng), chúng ta cùng điểm qua những chương trình phát triển vũ khí tiêu tốn lắm tiền, nhiều của này của một số quốc gia có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới.

Kỳ 1: Mỹ nhận quả đắng là ông lớn "đi trước, về sau"

---

Kỳ 2: Nga nổ tiếng sét giữa trời quang - Bứt phá ngoạn mục

Phóng thành công vũ khí siêu vượt âm

Sự kiện Nga phóng thử thành công đầu đạn siêu âm được ví như một tiếng sét nổ giữa trời quang như tường thuật của Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly.

Vũ khí siêu vượt âm không phải là những gì quá mới lạ đối với Nga; nó đã được các nhà khoa học Liên Xô (cũ) tiến hành nghiên cứu vào những năm 70 của thế kỷ XX.

Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ (năm 1991); công ty chế tạo tên lửa Raduga thuộc tập đoàn Dubna đã tiến hành bay thử phương tiện bay siêu vượt âm GELA, sau đó trở thành mẫu chế thử tên lửa chiến lược phóng từ trên không Kh-90 được đẩy bằng động cơ phản lực tĩnh (ramjet) có khả năng bay đạt vận tốc Mach 4,5; tầm bay xa 3000 km.

Máy bay ném bom chiến lược hiện đại hóa Tu-160M được trang bị tới hai tên lửa Kh-90. Nghiên cứu chế tạo tên lửa Kh-90 đã bị dừng lại vào năm 1992 và phương tiện bay GELA được trưng bày công khai vào năm 1995.

Thông tin đầy đủ nhất về các chương trình vũ khí siêu vượt âm phóng từ trên không hiện nay ở Nga đã được Cựu tư lệnh không quân Nga công bố trong một bài phát biểu trước các nhà sản xuất trang thiết bị hàng không tại một hội nghị tổ chức vào 4/2013 ở Matxcơva.

Theo nguồn thông tin này, Nga hiện đang triển khai một chương trình phát triển tên lửa siêu vượt âm chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên bao gồm việc phát triển một tên lửa phóng từ trên không dưới cấp chiến lược với tầm hoạt động nằm trong khoảng 1500 km, vận tốc khoảng Mach 6 vào năm 2020.

Tiếp sau tên lửa này, trong thập kỷ tới sẽ là vũ khí siêu vượt âm cỡ Mach 12 đem lại khả năng tiên công toàn cầu.

Vũ khí siêu vượt âm: Nga nổ tiếng sét giữa trời quang - Bứt phá ngoạn mục - Ảnh 1.

Đầu đạn siêu vượt âm có điều khiển Yu-71 của Nga.

Nguồn tin chính xác nhất về tên lửa vận tốc Mach 6 đã được đề cập là tên lửa có điều khiển siêu vượt âm GZUR; do Tập đoàn tên lửa chiến thuật đóng tại Korolev (gần Matxcơva) phát triển, nhưng hiện nay còn đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật.

Tên lửa GZUR có chiều dài khoảng 6 m (kích thước tối đa phù hợp với khoang vũ khí của máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-22M) và nặng khoảng 1500 kg. Tên lửa được đẩy bằng động cơ phản lực tĩnh do công ty TMKB Soyuz phát triển.

Đầu tìm radar chủ động của tên lửa hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu cùng với công ty UPKB Detal đóng ở Kamensk-Uralsky; còn đầu tìm thụ động băng rộng do công ty TsKBA ở Omsk chế tạo.

Năm 2012 Nga đã bắt đầu triển khai các đợt thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt thanh. Các phương tiện thí điểm này được treo dưới thân của máy bay phản lực siêu âm Tu-22M3 Backfire.

Năm 2013, phương tiện bay này đã thực hiện chuyến bay tự do đầu tiên. Phương tiện bay siêu vượt âm thử nghiệm được lắp ở phần trên của tên lửa Kh-22 (AS-4 Kitchen) và chính tên lửa này được dùng làm động cơ tăng tốc khi phóng.

Vũ khí siêu vượt âm: Nga nổ tiếng sét giữa trời quang - Bứt phá ngoạn mục - Ảnh 2.

Tên lửa Kh-22 treo dưới bụng của máy bay ném bom Tu-22M3.

Bộ phận này có chiều dài 12 m, nặng 6 tấn, còn phần thử nghiệm siêu vượt âm có chiều dài 5m. Năm 2012 họ đã hoàn thành việc chế tạo 4 tên lửa Kh-22 (không có đầu tìm và đầu chiến đấu) để sử dụng làm phương tiện thử nghiệm các phương tiện bay siêu vượt âm.

Tên lửa được phóng từ dưới thân của máy bay Tu-22M3 đạt vận tốc bay gấp 1,7 lần vận tốc âm thanh (Mach 1,7). Khi vọt lên đến độ cao 14 km và tăng tốc, phương tiện thử nghiệm đạt vận tốc tối đa Mach 6,3. Khi lên đến độ cao gần 30 km, tên lửa đã bay với vận tốc Mach 8.

Gần đây Bộ Quốc phòng Nga đã đầu tư từ 2 đến 5 tỷ USD cho một quỹ nghiên cứu tiên tiến (viết tắt là ARF, tương đương Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao của quân đội Mỹ - DARPA); nhằm thiết kế các loại vũ khí siêu vượt âm, được bắt nguồn từ tên lửa vũ trụ Yu-71 (Dự án 4202).

Từ năm 2013, tên lửa Yu-71 đã được Nga thử nghiệm gắn vào các loại tên lửa chiến lược hạng nhẹ UR-100 và R-29RMU2.

Ngày 28/10/2016, tại thao trường ở Orenburg, Nga đã thử nghiệm thành công vũ khí bay siêu vượt âm Objekt 4202 - loại vũ khí có thể đạt vận tốc trên Mach 10. Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, Nga có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm tên lửa siêu thanh Objekt 4202.

Truyền thông thế giới cũng cho biết, từ năm 2012 đến nay, Nga cũng đã liên tiếp thử nghiệm thành công kỹ thuật điều khiển thiết bị bay siêu thanh tại bãi phóng Akhtubinsk - Astrakhan. Tuy nhiên, những vụ thử nghiệm này đa số không được công khai, cho đến khi Objekt 4202 chính thức lộ diện.

Với nền tảng công nghệ và kinh nghiệm của Liên Xô và sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học tên lửa Nga. Dự án chế tạo tên lửa siêu thanh của Nga có thể vượt qua những kế hoạch phát triển vũ khí cùng loại của Mỹ như X-51A Waverider, HTV-2 Falcon…

Theo các chuyên gia quân sự Nga, các vũ khí siêu thanh Objekt 4202 dự kiến đạt tới vận tốc trên Mach 10 và có khả năng tấn công tập trung 1 mục tiêu hoặc riêng lẻ nhiều mục tiêu một cách cực kỳ cơ động, không thể đánh chặn.

Vũ khí siêu vượt âm: Nga nổ tiếng sét giữa trời quang - Bứt phá ngoạn mục - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu lỏng RS-28 Sarmat.

Nga sớm có vũ khí răn đe từ trên không vô cùng khủng khiếp

Điện Kremlin đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đe dọa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Như vậy, chắc chắn rằng Moscow sẽ trang bị tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân được phóng đi bằng các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly dự đoán vào giai đoạn giữa năm 2020 và năm 2025, Nga có khả năng triển khai khoảng 24 vũ khí siêu vượt âm Objekt 4202.

Đến khi Objekt 4202 được chính thức trang bị thì Nga cũng đã hoàn thiện tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu lỏng RS-28 Sarmat. Loại ICBM này có thể trang bị hàng chục đầu đạn hạt nhân có tốc độ siêu vượt âm.

Báo cáo của Jane's cũng cho rằng, thế hệ máy bay ném bom chiến lược Nga hiện đang phát triển là PAK-DA, cũng sẽ có thể phóng các tên lửa siêu thanh loại này. Với tốc độ không thể đánh chặn của tên lửa siêu thanh, Nga sẽ có một vũ khí răn đe từ trên không vô cùng khủng khiếp.

Việc Nga liên tiếp công bố việc thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm gần đây đã làm Mỹ lo ngại. Với nền tảng công nghệ hiện có, lại được kế thừa nền tảng công nghệ và kinh nghiệm chế tạo tên lửa siêu thanh phong phú của Liên Xô (trước kia).

Vũ khí siêu vượt âm của Nga, đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, khiến giới quân sự Mỹ phải đẩy mạnh kế hoạch phát triển vũ khí laser, nhằm bảo vệ đất nước khỏi các phương tiện tấn công nhanh toàn cầu, có thể gắn trên các tên lửa đạn đạo này.

(còn tiếp)



from Tin tức - TINMOI.VN http://ift.tt/2rFcOkn
via công ty bảo vệ

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét