Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp: Sẽ đột phá và sát với thực tiễn

 

(BVPL) - “Các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát thực tiễn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại "Diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn" vừa diễn ra tại Hà Nội.

(BVPL) - “Các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát thực tiễn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại
Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện mới chiếm từ 1% đến 2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước.


Tại Diễn đàn, những vướng mắc về: thị trường, đất đai, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ trong nông nghiệp…đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) cùng các doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ.

Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện mới chiếm từ 1% đến 2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng hiệu quả chưa cao, chưa sát với thực tiễn khiến doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi một số nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ này là 55% đến 60%. Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ, cho đến nay, nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Ông Khuê nêu dẫn chứng, về chính sách hiện nay còn nhiều bất cập như: 1 ha chanh leo hiện nay cho sản lượng 80 tấn, với giá bình quân là 8 nghìn đồng/kg thì thu nhập nông dân đạt 640 triệu đồng/ha. Nếu mở rộng được quy mô lên 10, 20, thậm chí 500ha sẽ cho nông dân thu nhập rất cao. Tuy nhiên, bất cập về chính sách đất đai hiện nay là nếu thu hồi đất làm khu công nghiệp thì thủ tục đơn giản, nhưng nếu thu hồi đất từ 10ha trở lên để doanh nghiệp đầu tư thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở phân tích những vướng mắc về cơ chế chính sách, các đại biểu đề xuất cần có hệ thống các chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Đồng thời, ngành Nông nghiệp phải hướng đến sản xuất quy mô lớn với điều kiện tiên quyết là tích tụ và tập trung đất đai. Đề làm được điều này, trước hết phải thay đổi căn bản chính sách về đất đai hiện nay gắn với các chính sách về công nghệ, thuế, tín dụng….

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2016 có gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Chính phủ luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị. Trong đó, các chính sách ưu đãi đầu tư thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát với thực tiễn để thu hút doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp.

“Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành tập trung trong thời gian ngắn nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong một thời gian ngắn sẽ chỉnh sửa, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới. Bên cạnh đó, những “nút thắt” khác như: đất đai, tín dụng và ngân hàng, ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để ban hành những chính sách mang tính đột phá, tích cực và sát với thực tiễn để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
 

PV



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2hAg9wx
via IFTTT

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét