Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Có Uber và Grab, điệp khúc "xăng giảm, giá taxi đứng yên" không còn

 

"Hai ba năm trước, người dân luôn phàn nàn taxi tăng giá nhanh thế và khi giá xăng giảm thì không giảm, nhưng kể từ khi xuất hiện của Uber, Grab hầu như không ai quan tâm nữa...".

Đó là chia sẻ của TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân về hiệu ứng cạnh tranh thị trường khi có sự gia nhập của các loại xe hợp đồng điện tử trong cung ứng dịch vụ vận tải ở Việt Nam.

Tại tọa đàm về Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế trẻ của Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về chính sách đối với loại hình kinh tế sẻ chia là Uber và Grab đang tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.

 Thị trường taxi cạnh tranh hơn khi có sự gia nhập của các loại hình xe vận tải hợp đồng điện tử.
Thị trường taxi cạnh tranh hơn khi có sự gia nhập của các loại hình xe vận tải hợp đồng điện tử.

Vận tải hợp đồng đã có từ lâu rồi

Mở đầu vấn đề gây tranh cãi cấm hay không cấm xe vận tải phương thức hợp đồng điện tử là Uber, Grab, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nói: Bản chất xe hợp đồng đã có từ lâu ở Việt Nam, nay công nghệ phát triển, nó mới phát trển thành cái mới.

"Việt Nam có loại hình xe hợp đồng thuê riêng, đi xa; sử dụng loại xe này người ta biết chắc chắn quãng được bao xa, biết trước số tiền và khi bước lên xe phải trả bao tiền và lộ trình là của người đi xe", TS Thành nói.

Ông Thành cho rằng: Uber, Grab không thuộc nhóm của taxi, nên không chịu quy định biển, mào xe... Uber và Grab thuộc hình thức vận tải hợp đồng, cái mà khi công nghệ bùng nổ đã được công nghệ hoá lên. Nếu trước kia hợp đồng xe chỉ đi tuyến dài, nay Uber và Grab đi bất cứ quảng đường nào. Nó thay thế, cạnh tranh taxi trong khu đô thị nên gây ra thách thức quản lý, khiến nhà quản lý đau đầu.

"Chúng tôi thấy có hiện tượng là các địa phương nêu rằng Uber, Grab phát triển nhanh quá nên phải có sự điều tiết, hạn chế. Nhiều địa phương đưa ra giới hạn số lượng xe này như giới hạn với xe taxi. Ở đây, chúng ta đang có cái mới, song chúng ta không có cách quản lý mới, áp dụng cách quản lý cũ cho cái cũ là không hợp thời, không đúng", TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc bình luận: "Từ khi xuất hiện xe hợp đồng điện tử đã có sự cạnh tranh lớn trong ngành vận tải, bằng chứng là trước đây giá xăng giảm nhưng giá taxi đứng yên, trầy trật giảm giá. Còn nay, mọi chuyện đã khác.

"Hai ba năm trước, người dân luôn phàn nàn taxi tăng giá nhanh thế và giá xăng giảm thì không giảm, nhưng kể từ khi xuất hiện của Uber, Grab hầu như không ai quan tâm nữa. Do đó, khi đưa ra chính sách, Chính phủ cần đứng dưới nhiều góc độ khác nhau để phù hợp hơn với xã hội", TS Anh nói.

Các hãng taxi nên tự đổi mới mình

Theo nhiều chuyên gia hiện nay điểm yếu trong năng lực xây dựng chính sách, quản lý kinh tế của chính quyền các cấp là không hiểu hết cấu trúc, người chơi, người thụ hưởng và vai trò điều tiết thị trường. Chính vì vậy, họ ban hành chính sách phiến diện, không để ý đến sự tổng hoà; không quan tâm xây dựng chính sách để làm nền móng cho cải cách, buộc tái cơ cấu những thói quen cũ, cách nghĩ cũ để xã hội phát triển.

Ông Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch, đồng sáng lập UP Co-working Space - cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cho hay: Trước đây gọi một taxi truyền thống mất khá nhiều thời gian, tiền điện thoại, và taxi chạy xa mới bắt được khách. Còn với xe hợp đồng điện tử, nhìn vào phần mềm điện thoại, chúng ta biết ngay xe nào gần. Cả người cung cấp phương tiện, lẫn người tiêu dùng đều được lợi.

"Với các ưu điểm này, các hãng taxi truyền thống cần thừa nhận để giảm chi phí cho người dùng. Nếu các hãng truyền thống đổi mới theo cách thích ứng như vậy, họ cũng được lợi và xã hội không thấy thiệt hại", ông Nam nói.

Về chính sách đối với xe vận tải hợp đồng điện tử, TS Phạm Thế Anh cho rằng: Uber và Grab nên được xem là phép thử đối với định hướng thúc đẩy các ứng dụng Cách mạng 4.0 trong đời sống và kinh tế của Chính phủ.

Ông Anh thừa nhận: Nếu Việt Nam từ chối Uber, Grab hay cho phép các địa phương thiết lập rào cản thì nó phát đi thông điệp chính sách sẽ là lời nói không đi đôi với hành động. Thông điệp này có thể gây hệ quả không chỉ đối với ngành vận tải mà còn đối với nhiều lĩnh vực khác.

Theo Dân trí



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2wTYR4Z
via IFTTT

Thực hư việc hợp đồng BOT giao thông đóng dấu... bảo mật

 

 Liên quan đến các dự án BOT, nhiều ý kiến cho rằng có “khuất tất” nên hợp đồng BOT đã đóng dấu mật và không được đăng tải công khai trên mạng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định: “Hợp đồng không đóng dấu mật, không phải là bảo mật”.

Mật hay không mật?

Tại một cuôc hội thảo về các dự án BOT giao thông vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội - cho hay: “Trong hợp đồng BOT, cuối hợp đồng có một bên là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một bên là chữ ký của các đơn vị liên quan. Tôi đọc thì thấy nhiều chỗ bất hợp lý”.

Chủ tịch Hiệp hội này dẫn chứng, Điều 76 trong hợp đồng BOT có quy định không được tiết lộ thông tin ngoại trừ nhân viên làm việc trực tiếp, ngân hàng và một số đơn vị liên quan...Theo hợp đồng này, những thông tin bảo mật là những thông tin về thương mại, liên quan đến nội dung hợp đồng.

“Tôi cho rằng, điều này trái với quy định. Tại sao hợp đồng kinh tế không đóng dấu mật lại là mật? Hợp đồng không cho ai biết thì làm sao mà giám sát được. Cho nên ở Cai Lậy mới xảy ra như thế, nhiều dự án khác mới có sự phản hồi thiếu tích cực...” - ông Liên nói.

Chính sách BOT được cho là có nhiều tác động tới túi tiền của người dân
Chính sách BOT được cho là có nhiều tác động tới túi tiền của người dân

Trên thực tế, hợp đồng BOT là hợp đồng kinh tế, Bộ GTVT đại diện cho người dân ký kết hợp đồng, câu hỏi đặt ra là có cần công khai?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Hợp đồng không đóng đóng dấu mật, cũng không phải là bảo mật”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện chưa có quy định cụ thể nên nếu công khai hợp đồng BOT thì công khai như thế nào? Trong Luật mới về PPP (đối tác công-tư), Bộ GTVT cũng đặt vấn đề có nên điều chỉnh để đưa lên mạng hợp đồng BOT hay không. “Nên nghiên cứu và tôi cho rằng cần thiết” - Thứ trưởng Đông cho biết.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, cần thiết công khai mức phí, hoạt động thu phí. Còn việc công bố tất cả hợp đồng hay không cũng không có quy định, nhưng hàng tỷ hợp đồng mà cứ phải đưa lên mạng thì cũng rất là khó.

Không chấp nhận chính sách BOT gây... hại!

Tại buổi tọa đàm “BOT - Chính sách và giải pháp” do Trung tâm Trọng tại Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và Phát triển (Viện PLD) ngày 8/9 ở Hà Nội, ông Nguyễn Phước Thọ - Vụ phó Vụ Chính sách Văn phòng Chính phủ - tỏ ra nghi ngờ về những vấn đề đang đặt ra đối với chính sách BOT.

“Tôi không phải nhà kinh tế, nhưng nghe các ý kiến cũng thấy hoang mang. Hình như chính sách BOT của chúng ta là không đúng. Tôi nghi ngờ một chính sách thực hiện hàng chục năm như chính sách xã hội hoá mà nói là chính sách ngành. Mình nhìn con mắt quá tiêu cực, thì không hẳn” - ông Thọ bày tỏ.

 Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang cạn kiệt, hình thức BOT được áp dụng cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang cạn kiệt, hình thức BOT được áp dụng cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, BOT có những thành tựu nhất định và chúng ta cần ghi nhận. Nhưng hiện nay, từ nhận thức, quan niệm đến đánh giá chủ trương đều không đạt mục tiêu, đều có vấn đề.

“Đây là vấn đề lớn, chúng ta cần nhìn lại. Dưới góc độ pháp lý, nếu cứ để thế này từ mặt nhận thức đến chính sách là không ổn lẳm. Không ai mà chấp nhận chinh sách BOT mà gây gại cho quốc gia, cho đất nước” - ông Thọ nhấn mạnh.

Trong khi đó, Luật sự Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội - nêu quan điểm: BOT giao thông mang lại lợi ích kinh tế xã hội. Giao thông tốt, đời sống dân sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng vấn đề liên quan đến nhà thầu, chỉ định hay thực hiện theo quy trình đúng luật hay không?

“BOT tác động trực tiếp vào túi tiền người dân nghèo. Vậy BOT đang lệch ở đâu, đang chưa chuẩn hoá từ chỗ nào, cần phải làm rõ” - Luật sư Nguyễn Văn Chiến nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia về ngân hàng - đưa ra ý kiến: “Tôi sợ rằng, nếu Chính phủ không có giải pháp hiệu quả thì chương trình BOT tương lai sẽ không có hiệu quả, sẽ gặp vấn đề về ngân sách như tham nhũng, hối lộ... BOT là một công cụ để phát triển kinh tế, nhưng nếu không được làm rõ thì sẽ dễ thất bại”.

Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2wToOBm
via IFTTT

Bắt khẩn cấp đối tượng nghiện ma túy, có 2 tiền án lại còn tự sản xuất súng

 

Cập nhật lúc 10:41, Thứ Hai, 11/09/2017 (GMT+7)

Quảng Ninh:

Đối tượng bị lực lượng công an bắt khẩn cấp khi đang có hành vi tàng trữ trái phép 2 khẩu súng tự chế cùng một số viên đạn.

1
Đối tượng tại cơ quan công an (ảnh công an cung cấp)


Tin từ công an TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, sáng nay (10/9) cho biết: Đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ Đào Viết Cường (SN1983, ở Khu Nam Thạch B, phường Cẩm Thạch, TP. Cẩm Phả) tàng trữ súng tự chế cùng. đạn.

Cụ thể vào ngày 9/9, tại tổ 2 khu 5, phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), công an TP.Hạ Long đã phối hợp với Công an phường Giếng Đáy thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Phương về hành vi tàng trữ 2 khẩu súng ngắn tự chế cùng 5 viên đạn.

Tại cơ quan Phương khai nhận, bản thân đã tìm hiểu, mày mò để chế tạo ra 2 khẩu súng trên còn 5 viên đạn là do Phương mua và cất giấu từ trước đó.

2
Đối tượng khai súng tự chế, đạn thì đi mua (ảnh công an cung cấp)


Theo hồ sơ tại cơ quan công an, Phương là đối tượng đã từng có 2 tiền án về tội cướp tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tháng 2/2016 Phương mới được mãn hạn tù.

Còn theo người dân sinh sống gần nơi ở của Phương, đối tượng nghiện ma túy từ lâu, tháng 6/2010, từng bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm lao động xã hội Vũ Oai, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh).
 

Theo An Nhiên/ Dân trí

,

.



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2wjakHw
via IFTTT

Xét xử vụ án gây tai nạn giao thông liên quan đến quân nhân Bộ đội Biên phòng

 

Cập nhật lúc 22:57, Chủ Nhật, 10/09/2017 (GMT+7)

(BVPL)-Ngày 06/9/2017, Toà án quân sự khu vực 1 Quân khu 1, vừa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” gây tử vong đối với quân nhân Lê Văn Thành đang công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Theo nội dung bản Cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự khu vực 1 BĐBP số: 03 / CT-KSĐT, ngày 25/7/2017; quân nhân Lê Văn Thành cấp bậc: Thượng úy, chức vụ: Nhân viên báo vụ; Đơn vị: Đồn Biên phòng Lũng Nặm thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng điều khiển xe mô tô BKS:34N4-7567 trên đường đi công tác đã bị xe ô tô BKS: 88C-107.83 do Phan Văn Hảo, sinh năm: 1985, trú quán: xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển gây tai nạn. Địa điểm xảy ra tai nạn là đoạn đường dốc, người bị hại quân nhân Thành đã điều khiển xe mô tô đi chậm và sát mép đường bên phải, Bị cáo Phan Văn Hảo điều khiển xe ô tô kéo theo rơ mooc điều khiển xe xuống dốc do không nhường đường cho xe lên dốc và đi lấn đường, rơ mooc của xe ô tô đã đập vào đầu quân nhân Thành dẫn đến tử vong.

Hành vi của bị cáo Hảo đã vi phạm khoản 1; điểm b, khoản 2 Điều 17 Luật giao thông đường bộ; phạm vào tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 01, Điều 202 Bộ luật Hình sự. 

Bị cáo Hảo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Khai báo thành khẩn; tự nguyện bồi thường thiệt hại; ... Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 09 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng.

Tại phiên Tòa, nhóm phóng viên chúng Tôi có mặt và chứng kiến có khoảng hơn 200 người dân đến để theo dõi chủ yếu là nhân dân địa phương, ở những hàng ghế đầu có nhiều cán bộ sỹ quan của Toà án quân sự khu vực 1 quân khu 1 –Viện kiểm sát quân sự khu vực 1 Bộ đội Biên phòng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng mang quân hàm xanh đến dự theo dõi phiên tòa xét xử để rút kinh nghiệm. Qua ý kiến của quần chúng nhân dân trao đổi với phóng viên chúng tôi toà án quân sự đã xét xử cẩn thận, nghiêm túc từng giai đoạn diễn biến từ khi bắt đầu đến khi kết thúc của phiên tòa, nhân dân chúng tôi bây giờ mới biết diễn biến, thủ tục xét xử của một phiên tòa cụ thể.

Một số hình ảnh phiên tòa:

 
 
 
 

Đại diện Viện kiểm sát khu vực 1 phát biểu lời luận tội trình bày thật có tình và có lý. Bản án do chủ tọa công bố cũng rất nhân văn, hình phạt hợp lý. Phóng viên chúng tôi nhận thấy ý nghĩa của Bản án tuyên phạt bị cáo mục đích chính của hình phạt không phải là trừng trị mà mục đích của hình phạt để cho người phạm tội nhận thức ra những lỗi lầm của mình để cải tạo giáo dục. 

Minh Châu

,

.



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2gTBXVF
via IFTTT

Cựu Tổng giám đốc OceanBank khai chi quà lễ tết mỗi năm 10 tỷ đồng

 

Tại phiên toà chiều 31/8, cựu Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn khai “mỗi dịp lễ tết, đều phải đi quà cả “lớn lẫn bé”, nhưng đó là việc chi vì tình nghĩa với số tiền lên đến 200 triệu đồng/người, mỗi năm là 10 tỉ đồng"

 Cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn khai hằng năm phải đi tết từ nhỏ đến lớn, tổng cộng mỗi năm phải chi đến 10 tỉ đồng.
Cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn khai hằng năm phải đi tết từ nhỏ đến lớn, tổng cộng mỗi năm phải chi đến 10 tỉ đồng.

Chiều 31/8, phiên tòa xét xử đại án Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây thiệt hại nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo liên quan hành vi “cố ý làm trái trong việc chi lãi ngoài” và tội “tham ô”.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc OceanBank, Phó Tổng giám đốc PVN khai rằng, bị cáo có rất nhiều tiền, từng đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu và cả sàn vàng. Nhưng cho đến nay, ngoài tài sản bị phong tỏa thì bị cáo không còn tài sản khác.

Trình bày về các mốc thời gian luân chuyển từ PVN sang Oceanbank rồi trở về PVN, bị cáo Sơn cho biết mình chưa bao giờ là người đại diện của tập đoàn tại Oceanbank. Vì theo thủ tục PVN phải có quyết định giao cho bị cáo giữ bao nhiêu phần vốn của PVN tại Oceanbank. Thứ hai thủ tục tại Oceanbank, người nào đại diện phần vốn thì phải có tên tuổi, CMND…

Bị cáo cho biết, giai đoạn làm TGĐ Oceanbank, chỉ nhận khoảng hơn 69 tỷ đồng. Số tiền đó dùng để chăm sóc khách hàng, bị cáo đã chi hết số tiền đó.

Nói về con số thống kê của cơ quan điều tra về số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ, Sơn cho rằng: “Thú thực, bị cáo không nghĩ là nó nhiều đến như thế. Tuy nhiên các bị cáo khác khai bị cáo nhận không có ý kiến gì”.

Đối với những khoản tiền chi như cáo buộc, Sơn cho hay: “Bị cáo không còn nhớ gì về những khoản chi đó nữa. Có những khoản tiền qua tay bị cáo, có khoản không qua tay”.

Khi chủ tọa đặt câu hỏi, số tiền đó chi cho những ai?, Sơn đánh trống lảng khi nói rằng, bị cáo đã chi rất hiệu quả cho các đơn vị khách hàng… Ngoài ra còn làm hỗ trợ đồng bào lũ lụt, vùng khó khăn, xây tượng…

Chủ tọa đặt vấn đề, số tiền đó có được chi cho lãnh đạo của PVN?, Nguyễn Xuân Sơn cho biết, đầu mối nhận tiền là cựu kế toán trưởng Ninh Văn Quỳnh của tập đoàn.

Còn những khoản Sơn chi thẳng lên lãnh đạo chủ yếu là vào dịp lễ tết. Con số này mỗi năm 10 tỷ đồng, trong năm 5 năm là 50 tỷ đồng.
 Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục phủ nhận việc nhận tiền để sử dụng cho cá nhân. “Bị cáo không sử dụng cho mình một đồng nào mà Hà Văn Thắm hỗ trợ cho PVN”, cựu TGĐ Nguyễn Xuân Sơn khai.

Chủ tọa đặt câu hỏi với Nguyễn Xuân Sơn về khoản tiền nhờ Nguyễn Minh Phương – cựu Phó TGĐ Oceanbank gửi tiết kiệm. Giải trình về khoản tiền này, Sơn cho biết, bị cáo có nhiều khoản đầu tư khác trong lĩnh vực chứng khoán…

Trước khi sang Oceanbank theo lời khai của Sơn, Sơn có rất nhiều tiền. Khi Ngân hàng Hồng Việt đổ vỡ do không thể thành lập và giải toán, bị cáo nhờ Nguyễn Minh Phương quản lý, lúc đó có khoảng 100 tỷ. Nhưng bị cáo đã sử dụng hết.

Ngoài ra bị cáo còn đầu tư vào một số dự án như tại số 1 Láng Hạ và có lãi khoảng 20 tỷ đồng… 
Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Sơn còn đầu tư chứng khoán đứng tên Nguyễn Xuân Thắng. Thắng quản lý một số tài sản đầu tư. Thậm chí Sơn còn đầu tư vào sàn vàng.

Trả lời chủ tọa về tài sản trước khi bị bắt còn bao nhiêu, Nguyễn Xuân Sơn cho biết, bị cáo không nhớ, nhưng có những khoản đầu tư vào ngân hàng khác, đầu tư vào căn hộ và chứng khoán. 
Chủ tọa truy, thế số tiền hàng trăm tỷ đầu tư vào chứng khoán đâu rồi?, Sơn khai: “Thì nó cũng chạy lung tung khắp nơi”. Sơn còn cho biết, khi về làm Phó TGĐ PVN thì bị cáo phải thanh lý hết các khoản đầu tư trên sàn chứng khoán.

Các khoản tiền nhận từ Hà Văn Thắm chi "đối ngoại" cho PVN, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng không phải là phần trăm lãi suất ngoài hợp đồng, vì nếu lãi ngoài hợp đồng sẽ rất nhiều.
 Sơn kể về các khoản do mình chi trực tiếp đối ngoại thì các khoản thanh tra, kiểm toán, kế toán là chính…. Ngoài ra còn các khoản đối ngoại khác và không thể thực hiện theo thủ tục kế toán Nhà nước.

Thẩm phán Trương Việt Toàn quay lại câu hỏi về việc chi lễ tết cho các lãnh đạo. Thẩm phán nói: “Bị cáo kê khai nhiều khoản chi, như chi lễ tết trong phạm vi tập đoàn theo thứ tự “lớn và bé, to và nhỏ” và đấy là vấn đề tình nghĩa. Chi phí mang tính tình nghĩa thì có lên đến 200 triệu/người?", 
Sơn khai: Việc chi tùy vào mức độ, nhưng so với tư nhân thì vẫn không đáng kể.

Ngày mai Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn các bị cáo.

Theo Tuấn Hợp/ Dân trí



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2vXTsef
via IFTTT

Cindy - Nhân tố tiềm năng của showbiz Việt

 

(BVPL) - Glee ra mắt giữa tháng 8 vừa qua gây sốt trong giới trẻ Việt và các kênh mạng trực tuyến. Đây là bộ phim ca nhạc sitcom dài tập được sản xuất dựa theo kịch bản gốc của bộ phim ca nhạcquốc tế nổi tiếng, được đầu tư sản xuất hoành tráng. Giữa dàn diễn viên có tên tuổi thì cái tên Cindy V là gương mặt đầy triển vọng khi được giao đảm nhận 1 trong 2 vai nữ chính của phim.

Cindy Elizabeth Harris, sinh năm 1998 tại Việt Nam. Cô thừa hưởng 4 dòng máu: Cuba, Brazil - từ bố và Việt, Pháp - từ mẹ, tại cuộc thi nên có vẻ đẹp lai đầy cuốn hút. Sở hữu ngoại hìnhthu hút, làn da nâu cá tính, khỏe mạnh, phong cách thời trang đậm chất phóng khoáng, Cindy được ví như “Bông hồng lai” nổi bật và quyến rũ, được Mr Đàm so sánh với vẻ đẹp của hoa hậu Philippine, Hồ Quỳnh Hương yêu thích “vẻ đẹp sexy, phóng khoáng, tự nhiên”.

 

Không những vậy, điều mà nhiều người ngưỡng mộ cô gái 9x này là sự đa tài, tài năng của cô ở mọi lĩnh vực: âm nhạc, người mẫu thời trang, điện ảnh, học tập. Cindy từng là “ Nhân tố Bí ẩn “ của X-Factor Việt Nam 2014 với giọng hát nội lực, lối trình diễn phóng khoáng, khác biệt. Cô đã giành một số giải thưởng ở nước ngoài như giải nhì cuộc thi IMTA 2010 của Mỹ, Top 15 young miss model USA, và được một số công ty người mẫu nước ngoài mời hợp tác. Sự đa tài của cô được đối tác, nhà sản xuất Holllywood quan tâm và chú ý.

 

Cindy có một thế mạnh mà ít cô gái trẻ làm nghệ thuật có đượclà khả năng giao tiếp tự tin, thành thạo ngoại ngữ. Có nền tảng tri thức và thông minh, Người đẹp còn sở hữu thành tích học tập vào loại Tốp đầu tại một trường quốc tế tại Việt Nam. Cô cũng là một trong 2% có tên trong Mensa - câu lạc bộ dành cho những người có chỉ số thông minh (IQ) cao nhất thế giới. Năng động và tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng, sôi nổi, cô là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động của giới trẻ.

 

Là fan cuồng của Glee gốc từ lúc 11-12 tuổi, thế nên khi nhận được lời mời góp mặt trong Glee phiên bản Việt,  Cindy chia sẻ khá áp lực bởi sự nổi tiếng và đầu tư của bộ phim. Trong dàn cast phim, Người đẹp 19 tuổi đảm nhận vai Minh Ánh – cô gái có ngoại hình, đam mê ca hát , có giọng hát nội lực giống Christina Aguilera nhưng thần tượng Beyonce. Đây là một trong những vai nữ chính đối lập tính cách với Angela Phương Trinh.

 

Những ngày đầu tiên trên phim trường, Cindy khá bỡ ngỡ và đôi khi bị khớp với vai diễn của mình. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ từ đoàn phim cũng như các anh chị diễn viên trong phim như Đỗ An, Tú Vi, Lynk Lee, Roker Nguyễn, Hữu Vi...  Dù nhỏ tuổi nhất nhưng cô luôn thể hiện sự cầu tiến, học hỏi, hòa nhã, có tinh thần trách nhiệm và trân trọng các ý góp về công việc.

Cindy bắt nhịp và diễn xuất khá nhập vai và ăn ý với cả đoàn phim và thể hiện cá tính ấn tượng, phong cách trẻ trung, hiện đạicủa mình với khán giả. Cindy đã thể hiện được khả năng ca hát đầy nội lực và ăn ý cùng Rocker, đây được xem là một điểm cộng của Cindy cho nhân vật Minh Ánh mà cô đảm nhận.

Glee phát sóng tối thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ 18.8 trên các kênh xem phim trực tuyến (Zing, FPT) và chiếu rạp.

Thiên Ân



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2vYbay0
via IFTTT

Sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục VN: Ai chịu trách nhiệm?

 

Những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD VN) mà Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa kết luận thì nguyên nhân vì đâu? ai chịu trách nhiệm về những sai phạm này?

Dấu hiệu buông lỏng quản lý của Bộ GD&ĐT

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT những sai phạm của NXB Giáo dục Việt Nam thời gian qua là do việc chuyển đổi mô hình và cơ chế hoạt động theo đúng tính chất của một doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Bộ máy tổ chức, quan hệ giữa các bộ phận, các đơn vị liên quan chưa rõ ràng, nhất là quan hệ giữa NXBGDVN với các công ty liên kết có các nhân sự chủ chốt là cán bộ lãnh đạo của NXBGDVN; nhiều vấn đề trong tổ chức và hoạt động chưa đúng Luật Doanh nghiệp.

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; hợp tác đầu tư, thuê, cho thuê tài sản lòng vòng, thiếu minh bạch; việc sử dụng tài sản nhất là thương hiệu chưa được quan tâm căn cơ vì lợi ích chung. Cuối năm 2016 và đầu năm 2017, trong nội bộ xuất hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động chung.

Nguyên nhân chính là nhận thức của HĐTV và lãnh đạo NXBGDVN trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chưa đầy đủ, vẫn quản lý theo thói quen, nếp cũ của mô hình đơn vị sự nghiệp, chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp.

NXBGDVN đầu tư dàn trải, thực hiện hoạt động đầu tư vào nhiều ngành, nghề kinh doanh không phải là ngành, nghề kinh doanh chính.

Việc kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT với vai trò chủ sở hữu Nhà nước chưa được thường xuyên, liên tục; có dấu hiệu buông lỏng quản lý (mặc dù Bộ GDĐT đã cử kiểm soát viên kiêm nhiệm là cán bộ của Vụ Kế hoạch - Tài chính).

Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, trách nhiệm này thuộc về ông Ngô Trần Ái (nguyên Chủ tịch HĐTV, Tổng GĐ NXBGDVN) chịu trách nhiệm chung đối với các thiếu sót, sai phạm của NXBGDVN trong thời gian giữ chức vụ trước ngày 01/4/2015; chịu trách nhiệm trực tiếp trong chỉ đạo đầu tư, triển khai thực hiện Dự án tại số 187B Giảng Võ, Hà Nội và Dự án tại số 104 Mai Thị Lựu, TPHCM và một số thiếu sót khác.
Ông Mạc Văn Thiện (nguyên Chủ tịch HĐTV) chịu trách nhiệm chung đối với các thiếu sót, sai phạm của NXBGDVN trong thời gian giữ chức vụ từ ngày 01/4/2015 đến 31/12/2016. Chịu trách nhiệm trực tiếp đối với thiếu sót, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ; việc ký văn bản không đúng thẩm quyền; kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Thiên Hóa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội không đúng quy định;

Cho phép Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục và Công nghệ Việt Nam được sử dụng bản quyền sách giáo khoa và miễn phí quản lý xuất bản không đúng quy định; chỉ đạo bán 03 lô đất của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính giáo dục không đúng thẩm quyền; phê duyệt cho bà Huỳnh Thị Thanh Hiền được mượn lại GCNQSD đất là giấy tờ bảo đảm khoản vay tại Công ty Thiên Hóa và một số thiếu sót khác.

Ông Vũ Văn Hùng (nguyên Tổng GĐ) chịu trách nhiệm đối với các thiếu sót, sai phạm của NXBGDVN trong phạm vi được giao. Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ký các văn bản tuyển dụng không đúng quy định; ký các quyết định bổ nhiệm không đúng đối tượng và thẩm quyền; chưa kịp thời thực hiện việc kê khai cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định và một số thiếu sót khác.

Ông Lê Thành Anh chịu trách nhiệm đối với các thiếu sót, sai phạm trong phạm vi được giao về công tác quản lý tài chính, tài sản; chưa kịp thời tham mưu ban hành Quy chế quản lý sử dụng tài sản và việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính; việc mua sắm xe ôtô có sai sót về trình tự, thủ tục; kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang, Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục và Công nghệ Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính giáo dục không đúng quy định; việc đề xuất HĐTV chỉ đạo bán 03 lô đất tại Đà Nẵng không đúng thẩm quyền.

Các thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc khác, chịu trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm trong phạm vi được giao trong thời gian giữ chức vụ.

Kiểm soát viên, Giám đốc các bộ phận tham mưu (Ban Tổ chức nhân sự, Ban Kế hoạch Tài chính, Ban Quản lý cơ sở vật chất và xây dựng cơ bản), Giám đốc NXBGD miền và các cán bộ liên quan chịu trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

Công khai tài sản, thu nhập của các Hội đồng thành viên

Để khắc phục hậu quả, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị thực hiện việc thôi kiêm nhiệm quản lý công ty thành viên đối với các thành viên HĐTV, Tổng GĐ và các chức danh khác theo quy định.

Rà soát, bổ sung hồ sơ, có phương án xử lý đối với các đối tượng tuyển dụng sai quy định và kéo dài thời gian công tác không đúng quy định. Ban hành các văn bản về công tác cán bộ đúng thẩm quyền thay thế các văn bản sai, giải quyết việc nghỉ hưu đối với ông Lê Trí Tú, ông Phạm Văn Hồng và các trường hợp khác theo quy định.

Rà soát, thực hiện việc công bố công khai tài sản, thu nhập năm 2016 của các thành viên HĐTV, Tổng GĐ, các Phó Tổng GĐ, kiểm soát viên, kế toán trưởng theo đúng quy định tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP.

Thực hiện việc thông báo về cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp của cán bộ quản lý và người liên quan theo quy định.

Thu hồi toàn bộ tiền phí quản lý xuất bản đã miễn thu phí đối với 41 đầu sách song ngữ của Công ty CP Cổ phần Thiết bị giáo dục và Công nghệ Việt Nam.

Đánh giá lại toàn bộ các Hợp đồng liên danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng thuê, cho thuê tài sản, bất động sản để bổ sung, hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Xác định đầy đủ toàn bộ giá trị của các tài sản cố định vô hình quyền sử dụng đất, bản quyền tác giả theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC. Đối với các tài sản, bất động sản cho thuê với thời gian từ 10 năm trở nên, cần đánh giá lại những yếu tố bất lợi cho NXBGDVN để thực hiện việc điều chỉnh lại nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng;

Tiến hành thẩm định lại giá cho thuê và thời gian cho thuê để điều chỉnh Hợp đồng cho thuê tòa nhà số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM; cơ sở tại số 62 Hạ Long, thành phố Vũng Tàu; Hợp đồng liên danh tại Dự án 187B Giảng Võ, Hà Nội để có phương án xử lý trong trường hợp thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư IP Việt Nam.

Đặc biệt, chấm dứt việc thực hiện các công việc trong quản lý, điều hành trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong QLSD vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định.

Các thành viên HĐTV, Ban Tổng GĐ, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng trong giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2016 kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra.

Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý đối với các thiếu sót, sai phạm về tổ chức, cán bộ, quản lý tài chính, quản lý tài sản.

Việc kiểm điểm trách nhiệm hoàn thành trước ngày 15/9/2017.

Báo cáo việc thực hiện Kết luận Thanh tra trước ngày 31/10/2017.

Theo Hồng Hạnh/Dân trí



from Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử http://ift.tt/2gVmukq
via IFTTT